Ngụ tại Seattle mà ông say mê gọi là “Cao Nguyên Tình Xanh,” một danh từ cũng đã được cộng đồng người Việt ngụ tại Seattle đồng thuận chấp nhận, nhà thơ Quốc Nam đã có nhiều cảm xúc với thiên nhiên tại nơi mình tạm dung để từ đó nẩy sinh những lời thơ trau chuốt mang nặng tình người nghệ sĩ với quê hương, đất nước.
Trong tập thơ “Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh,” nhà thơ Quốc Nam cho biết đây là tập thơ đánh dấu 53 năm làm thơ của ông.
Tập thơ thứ 5 của Quốc Nam không chỉ là những vần thơ tình cảm mà còn có một số bản nhạc phổ thơ Quốc Nam. Ðồng thời còn có một phần phát biểu của những nhà văn, nhà thơ, nhân sĩ, trí thức, các cựu quân nhân VNCH ở hải ngoại về hoạt động của Quốc Nam. Cố thi sĩ Nguyên Sa từng phát biểu, “Nhà thơ Quốc Nam người đã mang những vần thơ đẹp về tình yêu quê hương rao giảng khắp nơi” (phát biểu tại San Jose trong ngày Thi Ca VN ngày 5 tháng 5 năm 1991). Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH ở Ontario đã trao tặng một bằng Tưởng Lục ngợi khen Quốc Nam là một Chiến Sĩ Văn Hóa (công bố trong ngày 2 tháng 5 năm 1992 nhân ngày hội ngộ cưu quân nhân ở Ontario, Canada)… Phần này đã trích đăng những lời phát biểu ca ngợi Quốc Nam của 100 người trong văn giới, tôn giáo và quân đội.
Tập thơ thứ 6 “Bản Thánh ca Alpha Ðỏ” là một tập thơ ca ngợi đời lính khởi đi từ trường Mẹ, quân trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Từ những ngày đầu bước chân vào quân trường bị các đàn anh khóa 21 liên tục hành xác, nhưng trong trái tim Quốc Nam vẫn say mê mầu Alfa Ðỏ của quân trường. Bốn câu thơ sau đã nói lên điều đó: “Ta bỏ lại đời sinh viên mộng mị, nhìn đỉnh Lâm Viên nghiêng bóng quân trường. Alpha ơi, mầu đỏ đẹp vô cùng. Chiều doanh trại nhớ về em bất tận.”
Ngoài phần “Tự Sự,” tiểu sử tác giả, tập thơ còn một phần in những cảm nghĩ của 144 nhân vật và độc giả.
Qua những hoạt động của tác giả không chỉ trong văn chương nghệ thuật, Quốc Nam còn là một nhà hoạt động truyền thông hăng hái, tích cực trong suốt hơn 20 năm ở hải ngoại. Qua định cư tại Hoa Kỳ từ cuối năm 1975, Quốc Nam chủ trương tờ Hoài Hương và Ðông Phương, giám đốc điều hành cơ sở Văn Hóa Ðông Phương, giám đốc đài phát thanh Saigon SRBS phát thanh 24/7 tại tiểu bang Washington. Năm 1987, ông sáng lập giải Quốc Tế Tượng Vàng, thành lập được khu vườn văn hóa VN hải ngoại với một tượng đài cao 12 feet tại Seattle và sau đó ông cùng đồng hương đã xây dựng một kỳ đài Việt Mỹ với ngọn cồ Vàng tung bay trên ngọn cột cờ cao 32 feet tại thành phố chính của Cao Nguyên Tình Xanh.
Nhà thơ Quốc Nam cũng là người tổ chức được các đại hội quốc tế về văn hóa VN cho cộng đồng người Việt hải ngoại như Ðại Hội Văn Hóa VN mừng thế kỷ 21, Ðại Hội Văn Chương Phụ Nữ VN tháng 10, 2005 nhắm tuyên dương nữ giới cầm bút VN, Ðại Hội Áo Dài Quê Hương năm 2007 tại Seattle vinh danh chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ VN.
Vào tháng 7 cuối năm nay (2016), nhà thơ Quốc Nam và An Lộc Foundation sẽ tổ chức mội đại hội quân đội với chủ đề “44 Năm Chiến Thắng An Lộc,” nhắc đến chiến thắng An Lộc của QLVNCH tại thủ đô của người Việt tị nạn, Little Saigon. Theo các nhà phân tích quân sự trong và ngoài nước thì chiến thắng An Lộc là một trong ba chiến thắng lớn nhất của QLVNCH trong cuộc chiến tranh ngăn chặn làn sóng đỏ quốc tế qua sự xung kích của Cộng Sản Bắc Việt.
Theo bản tin được phổ biến thì đây là cuộc họp mặt lần đầu tiên của quân nhân các cấp thuộc Quân Ðoàn III từng tham dự trực tiếp hay gián tiếp trong trận đánh này, đặc biệt là các cựu quân nhân đơn vị 81 Biệt Cách Dù.
Phần văn nghệ được các “ca sĩ của lính” ngày nào tham gia như Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Mai Ngọc Khánh, Kevin Khoa, Mai Vy, Ðào Anh Tuấn, Minh Hạnh, Mỹ Thúy…